Dịch vụ thông tin, tư vấn môi trường được xem là “mảnh đất” đầy tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng, dẫn tới những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.
Yếu các nguồn cung
Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường (Tổng cục Môi trường), hiện nay, có tới 46% nguồn cung cấp thông tin đến từ Sở TN&MT tại các tỉnh, thành và 27 % thuộc các đơn vị, tổ chức bên trong Bộ TN&MT. Hiện, các loại hình dịch vụ thông tin môi trường chủ yếu là dịch vụ công do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.
Điển hình một số cơ quan Nhà nước tham gia lưu trữ, cung cấp tư liệu và thông tin về môi trường như Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường, Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường (Tổng cục Môi trường), Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Trung tâm Kỹ thuật môi trường… Theo đánh giá, các thông tin môi trường Nhà nước cung cấp cho nhân dân nhìn chung chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Các số liệu, thông tin môi trường chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thông tin chưa kịp thời. Theo khảo sát mới các thông tin mới đáp ứng được khoảng 78% thông tin môi trường cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, có 613 doanh nghiệp đang tham gia vào dịch vụ thông tin chung. Kết quả khảo sát cho 63 tỉnh thành, tính tới thời điểm tháng 7/2016, có 44 tỉnh thành trả lời với tổng số doanh nghiệp tham gia dịch vụ thông tin môi trường là 130. Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tại Quảng Ninh, các tỉnh thành còn lại không có doanh nghiệp nào tham gia. Qua kết quả, một số chuyên gia cũng cho rằng, dịch vụ thông tin chung hiện nay, chưa phát triển mạnh, bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động liên quan đến dịch vụ thông tin môi trường là rất ít, chiếm 21% trong tổng số các doanh nghiệp dịch vụ thông tin và chiếm 0,13% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Khảo sát về thị trường cho biết, 62% ý kiến cho rằng thị trường dịch vụ thông tin môi trường chưa được hình thành và 36% ý kiến cho rằng thị trường đã được hình thành nhưng chưa rõ nét và chứa đựng nhiều rủi ro, bất cập.
Đơn lẻ các dịch vụ cung ứng
Hiện nay, thị trường cho các dịch vụ môi trường về tư vấn trong lĩnh vực môi trường ngày càng được mở rộng. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng mạnh qua các năm và vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng theo nhu cầu thị trường. Các loại hình dịch vụ tư vấn môi trường tập trung vào dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), hậu ĐTM.
Theo Tổng cục Môi trường, giá trị của các hợp đồng trong mảng này dao động trong khoảng 50 triệu đến dưới 1 tỷ đồng. Số ít đã có những dự án lớn hơn với giá trị lên đến dưới 5 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu liên quan đến những báo cáo ĐTM của các công trình nghiên cứu, đánh giá quy mô lớn như thủy điện, đường cao tốc, tàu điện ngầm, khai thác mỏ mới hoặc các dự án vốn ODA… Chỉ tính riêng lĩnh vực thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, ĐMC theo thống kê sơ bộ, từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng 90 dự án chiến lược, quy hoạch đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược, khoảng hơn 8.000 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo ĐTM.
Báo cáo Đề án “Điều tra, khảo sát, xây dựng Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường ở Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020” cho thấy, khảo sát tại 493 doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn về môi trường chiếm 50%. Trong đó, doanh nghiệp và các trung tâm, trường, viện, đơn vị sự nghiệp chiếm 5,5% doanh nghiệp cổ phần và tư nhân chiếm 94,2%, còn lại 3% là các doanh nghiệp khác. Tuy vậy, các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ với 10 đến 50 lao động và tổng số vốn kinh doanh từ 10 – 15 tỷ đồng (chiếm 58,5%).
Chất lượng các loại hình dịch vụ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, theo số liệu khảo sát của Tổng cục Môi trường, loại hình dịch vụ đánh giá tác động môi trường và mô hình hóa và quy hoạch môi trường được đánh giá chưa tốt khi còn có 72% và 77% số lượng đơn vị khảo sát cảm thấy chưa được hài lòng. Bên cạnh đó, theo ý kiến của các Sở, ngành, có tới 71% cho rằng thị trường dịch vụ tư vấn môi trường hiện nay, rơi vào tình trạng có cầu có cung nhưng cơ chế hoạt động của thị trường là yếu kém.
Chính những điều này đã và đang làm cho “mảnh đất” đầy tiềm năng trong lĩnh vực thông tin, dịch vụ tư vấn môi trường chưa “khai phá” hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét